Phương tiện giao thông đến An Giang
-    Từ Hà Nội, Nha Trang thì phương tiện thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất bạn nên chọn là máy bay, bởi hiện nay các hãng hàng không Vietjet, Jestar hay Vietnam Airlines luôn có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, bạn nên đăng ký địa chỉ mail để các hãng hàng không gửi thông tin khuyến mãi nhé. Ngoài ra bạn có thể chọn xe lửa tàu Thống Nhất Bắc Nam, tuy nhiên lưu ý bạn chỉ nên chọn khi có nhiều thời gian tham quan.
-    Những chuyến xe khách từ Tp Hồ Chí Minh về An Giang cũng khá nhiều, bạn có thể đến bến xe miền Tây tại bắt xe khách đến thành phố Long Xuyên hoặc thành phố Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang.

Nên đi du lịch An Giang vào mùa nào
-    Mùa nước nổi khoảng tháng 9, 10 là thời điểm du lịch đẹp nhất ở An Giang, khi con nước tràn về, mang theo sự trù phú và màu mỡ cho vùng đất này. Những cánh đồng ngập nước, các dòng sông no đầy phù sa, khu rừng tràm xanh thẳm và  bông điên điển nở vàng rực tạo nên một bức tranh đặc sắc sẽ làm cho bạn đắm say.
-    Bạn yêu thích hoạt động lễ hội của người dân An Giang thì hãy tới đây vào tháng 4 ngày 23 -27 hàng năm ( Âm lịch) để tham gia lễ hội bà chúa Xứ và cuối tháng 8 ( Âm lịch) để chứng kiến cảnh hàng đàn bò đua nhau ở hội đua bò Bảy núi.

Những điểm nên tham quan trong tour du lịch An Giang của bạn
-    Chợ nổi Long Xuyên: Nằm trên khu vực sông Hậu, gần Trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ mỗi khi du lịch Miền Tây. Khung thời gian đẹp nhất để tham quan Chợ nổi Long Xuyên là từ 5 giờ sáng. Không tấp nập như chợ nổi Cái Răng và cũng không ồn ào như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Long Xuyên tỉnh An Giang được đánh giá là một trong những chợ nổi vẫn còn giữ được nét bình dị, nguyên sơ nhất.
-    Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam: Có thể xem là địa danh nổi tiếng nhất của An Giang. Đây là ngôi miếu linh thiêng nổi tiếng thu hút hàng triệu người dân tứ xứ đến phúng viếng hằng năm. Nằm đối diện theo hai hướng tả hữu (trái, phải) của Miếu Bà còn có sự hiện diện của hai công trình kiến trúc khác là lăng Thoại Ngọc Hầu (Sơn lăng) và di tích Tây An cổ tự (chùa Tây An). Đây là hai công trình cùng với miếu Bà Chúa Xứ tạo nên một bộ ba điểm tham quan hấp dẫn nhất thành phố Châu Đốc ngay dưới chân núi Sam.
-    Lăng Thoại Ngọc Hầu: Nằm trên nền cao tựa lưng vào núi Sam, đối diện với miếu Bà Chúa Xứ, là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi an nghỉ của Tổng trấn Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân. Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc đặc sắc, cổ kính, với một tổng thể hài hòa mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn.
-    Rừng Tràm Trà Sư: là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá xứ thốt nốt An Giang. Vào mùa nước nổi, khu rừng tràm xanh mướt nổi bật giữa mênh mông nước đỏ phù sa. Tham quan rừng tràm trên những chiếc thuyền máy, xuôi theo dòng nước, lướt trên “biển” bèo xanh ngắt, hai bên bạt ngàn sen, bìm bịp nở hoa, cỏ năng tươi tốt du khách không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước cảnh sắc, thiên nhiên rất đỗi độc đáo của khu rừng sinh thái.

An Giang có lễ hội gì đặc sắc khi đi du lịch cần lưu ý?
Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam: Đây là một trong những ngày hội lớn nhất ở An Giang thu hút hàng triệu du khách và người dân An Giang tham gia. Thời gian diễn ra lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam kéo dài 4 ngày, từ ngày 22/4 đến hết ngày 27/4 Âm Lịch. Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không khí sôi nổi và náo nhiệt của các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, rước kiệu, múa lân, các trò chơi dân gian đặc sắc…
Lễ tôn vinh Thoại Ngọc Hầu: Là một lễ hội lớn của cộng đồng người Kinh ở An Giang. Đây là một lễ hội truyền thống được người dân ở đình thần Thoại Ngọc Hầu tổ chức trong 3 ngày, từ 9/4 – 11/4 Âm Lịch hàng năm. Người được người dân An Giang tôn vinh trong nghi lễ này là ông Thoại Ngọc Hầu và các danh thần có công đào kênh Vĩnh Tế dẫn nước về ruộng cho người dân.
Lễ Đôlta: Lễ Đôlta là lễ cúng ông bà của người Khmer ở An Giang (giống lễ Vu Lan của người Kinh). Lễ Đôlta thường diễn ra vào tháng 9. Lúc này, bà con đồng bào Khmer vào chùa cúng chư tăng, cúng ông bà, cha mẹ. Nghi thức đặc sắc nhất trong lễ Đôlta của người Khmer là tục “xin nước mưa”, “rước nước” và “đưa nước”.

Các lưu ý về khách sạn và ẩm thực địa phương khi đi du lịch An Giang
An Giang có nhiều khách sạn để bạn lựa chọn, để tham khảo các khách sạn hợp với túi tiền và vị trí gần trung tâm thành phố, bạn nên tham khảo trước trên các web tư vấn khách sạn như Agoda hay Tripadvisor rất hữu ích. Ngoài ra, mình tư vấn cho bạn một số khách sạn như Victoria Chau Doc Hotel (04 sao), Chau Khuong Hotel (03 sao), Chau Pho Hotel (03 sao),...

Là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa, ẩm thực An Giang đa dạng và phòng phú nhưng vẫn mang những hương vị đặc trưng của ẩm thực vùng sông nước Tây Nam Bộ. Một số món ngon đặc trưng như: Mắm Châu Đốc, Tung Lò Mò (Lạp xưởng bò, loại lạp xưởng đặc biệt của người Chăm theo đạo Hồi ở An Giang), đường thốt nốt, gỏi sầu đâu, lẩu mắm, gà đốt lá trúc,…

Đến An Giang mua gì về làm quà?
An Giang có khá nhiều sản phẩm để bạn mua về làm quà cho người thân như: Tung lò mò, khô rắn, bò cạp Bảy Núi, mắm Châu Đốc,...

Những điều lưu ý chung khác trong tour du lịch An Giang mà bạn cần quan tâm
Nếu bạn dự định đi du lịch vào các thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, bạn hãy chủ động đặt vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn trước để tránh trường hợp hết phòng cũng như không có phương tiện di chuyển. Vật dụng cần thiết nhất cho mỗi chuyến du lịch đó chính là một tấm bản đồ để xác định đường đi, tránh bị người khác (xe ôm, taxi) đưa đi lòng vòng mất phí. Hãy tham khảo giá cả trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào, cách tốt nhất là bạn nên tham khảo tư vấn của lễ tân khách sạn. Luôn mang theo bên mình card visit của khách sạn có thông tin địa chỉ, số điện thoại để phòng trường hợp bạn quên thông tin của khách sạn nhé.

Để được tư vấn miễn phí về kinh nghiệm đi du lịch An Giang cho tour du lịch An Giang của bạn, vui lòng liên hệ với HTS International Travel qua số hotline: 0918.977.968 hoặc email về cho chúng tôi qua địa chỉ email: [email protected] hoặc [email protected].